Siêu âm ổ bụng tổng quát là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh an toàn và không đau, tạo ra hình ảnh các mô mềm bên trong ổ bụng. Siêu âm ổ bụng được chỉ định để kiểm tra sức khỏe tổng quát hoặc tìm nguyên nhân của các triệu chứng đau, sưng hoặc nhiễm trùng ổ bụng.
»» Xem thêm:
1. SIÊU ÂM Ổ BỤNG LÀ GÌ?
Siêu âm ổ bụng sử dụng một đầu dò truyền sóng siêu âm ở tần số cao vào cơ thể, sau đó chuyển đổi sóng âm phản xạ lại để tạo ra hình ảnh cơ quan và cấu trúc bên trong ổ bụng, hình ảnh này được hiển thị trên máy tính. Cho đến nay, siêu âm đã được ứng dụng rất phổ biến, là lựa chọn đầu tiên để chẩn đoán cho nhiều bệnh lý.
2. SIÊU ÂM Ổ BỤNG ĐỂ LÀM GÌ?
Siêu âm ổ bụng là xét nghiệm thường quy trong bài kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ. Thông thường, mỗi 6 tháng đến 1 năm bạn cần siêu âm ổ bụng một lần để kiểm tra. Siêu âm ổ bụng định kỳ giúp kịp thời phát hiện một số bệnh lý, bao gồm các tổn thương tiền ung thư và ung thư.
Ngoài ra, siêu âm bụng được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân có triệu chứng hoặc kết quả xét nghiệm máu trước đó bất thường, mà bác sĩ nghi ngờ là do bệnh lý ở cơ quan nào đó trong ổ bụng. Các triệu chứng như: đau bụng, nôn ói thường xuyên, sưng bụng, sờ thấy khối trong ổ bụng, chức năng gan thận bất thường…
Siêu âm bụng cũng có thể được sử dụng để hướng dẫn một số kỹ thuật xâm lấn tối thiểu.
3. SIÊU ÂM Ổ BỤNG TỔNG QUÁT KIỂM TRA NHỮNG PHẦN NÀO?
Siêu âm ổ bụng kiểm tra các cơ quan bên trong vùng bụng và vùng chậu: gan, thận, lách, mật, tụy, dạ dày, ruột, niệu quản, bàng quang, tuyến tiền liệt, buồng trứng, tử cung…
Qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ có thể phát hiện và chẩn đoán các bệnh lý như:
- Ở gan: bất thường bẩm sinh, viêm gan do virus, nhiễm trùng gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan, u gan lành tính và ác tính…
- Ở lách: lách to, nang, áp xe, chấn thương…
- Ở túi mật: sỏi, viêm, áp xe túi mật, dày thành túi mật, xẹp lòng túi mật, u túi mật…
- Ở đường mật: tắc nghẽn, viêm, sỏi, u đường mật, ký sinh trùng đường mật…
- Ở tuyến tụy: viêm tụy cấp và mạn tính, u tụy…
- Ở đường tiêu hóa: ung thư đường tiêu hóa, bệnh Crohn, viêm ruột thừa, viêm túi thừa, tắc ống tiêu hóa, viêm đại tràng, viêm manh tràng, dị vật trong lòng ống tiêu hóa…
- Ở đường tiết niệu: viêm đài bể thận, áp xe thận và quanh thận, lao thận, viêm bàng quang; sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang; khối u đường tiết niệu…
- Ở tuyến tiền liệt: tăng sản lành tính tuyến tiền liệt, viêm, nang, ung thư tuyến tiền liệt…
- Ở tuyến thượng thận: u lành tính và ác tính, nang, xuất huyết tuyến thượng thận…
- Ở khoang sau phúc mạc và mạch máu lớn: khối u, tụ dịch, nhiễm trùng sau phúc mạc, bệnh lý động mạch…
- Ở thành bụng: thoát vị ở bụng, lưng, đường mổ, bẹn, đùi; tụ máu, tụ dịch…
- Ở phúc mạc: báng bụng, áp xe, nang, viêm phúc mạc…
- Ở tử cung và phần phụ: viêm, dính, teo, lạc nội mạc tử cung, buồng trứng đa nang, ung thư buồng trứng, u xơ tử cung, u mỡ tử cung…
4. ƯU NHƯỢC ĐIỂM CỦA SIÊU ÂM Ổ BỤNG TỔNG QUÁT
Ưu điểm của kỹ thuật siêu âm bụng:
- Rất an toàn.
- Không đau, không xâm lấn.
- Thiết bị gọn nhẹ, cơ động.
- Chi phí thấp.
- Hiển thị hình ảnh thời gian thực.
- Có tính chính xác cao.
Nhược điểm của kỹ thuật siêu âm bụng:
- Hạn chế lớn nhất của siêu âm là phụ thuộc nhiều vào bác sĩ thực hiện và đọc kết quả.
- Siêu âm không thể sử dụng để chẩn đoán vị trí có xương hoặc khí.
- Gặp khó khăn về kỹ thuật khi siêu âm cho bệnh nhân béo phì.
5. QUY TRÌNH SIÊU ÂM Ổ BỤNG TỔNG QUÁT
Quy trình siêu âm bụng tổng quát được thực hiện như sau:
- Kéo áo để lộ vùng bụng hoặc thay trang phục của bệnh viện cung cấp.
- Nằm trên bàn khám ở tư thế ngửa hoặc hơi nghiêng.
- Bôi gel siêu âm lên vùng bụng. Gel giúp đầu dò di chuyển dễ dàng hơn và giúp loại bỏ không khí giữa đầu dò và da. Không khí có thể ngăn sóng âm thanh vì tốc độ sóng âm di chuyển qua không khí rất chậm.
- Di chuyển đầu dò qua lại xung quanh vùng bụng cần siêu âm.
- Bác sĩ quan sát hình ảnh trên máy tính và ghi lại những hình ảnh nghi ngờ bất thường.
- Lau sạch gel siêu âm trên da. Gel này khô rất nhanh và không làm ố màu quần áo.
Quá trình siêu âm ổ bụng thường không kéo dài quá 30 phút. Sau khi siêu âm xong, bạn có thể hoạt động bình thường ngay lập tức.
Nếu kết quả siêu âm bụng tổng quát bất thường bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng khác để loại trừ hoặc khẳng định chẩn đoán.
6. LƯU Ý KHI THỰC HIỆN SIÊU ÂM Ổ BỤNG TỔNG QUÁT
Dưới đây là một số lưu ý để siêu âm bụng tổng quát hiệu quả:
- Không ăn ít nhất 8 giờ trước khi siêu âm.
- 01 giờ trước khi siêu âm nên uống nhiều nước và nhịn tiểu để bàng quang căng đầy nước tiểu. Tuy nhiên không nên uống quá nhiều.
- Khi đi khám nên mặc áo rộng rãi để dễ thuận tiện cho việc thăm khám.
Phòng Khám Đông Phương
Địa Chỉ: 142 Triệu Nữ Vương - Q.Hải Châu - Tp.Đà Nẵng
Điện Thoại: 02363 86 87 89 * Hotline: 077 456 6243
Email: pkdongphuong@gmail.com
Website: https://www.pkdongphuong.com.vn
Trân trọng.