Siêu âm đại tràng: Chẩn đoán bệnh gì? Quy trình và ưu nhược điểm

Siêu âm đại tràng là một kỹ thuật y khoa giúp bác sĩ chẩn đoán một loạt các bệnh lý khác nhau ở đại tràng – từ viêm ruột, tắc ruột đến việc phát hiện các hạt polyp hay các khối u đại tràng nguy hiểm. Vậy siêu âm đại tràng là gì? Kỹ thuật siêu âm đại tràng như thế nào?

»» Xem thêm: Dịch vụ siêu âm người lớn tại Đà Nẵng

Siêu âm đại tràng là gì?

Siêu âm đại tràng là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng âm thanh tần số cao từ 3.5 – 17 Mhz để phác họa nên cấu trúc của đại tràng. Siêu âm đại tràng không hề xâm lấn (không có xâm nhập qua da gây chảy máu) nên không gây đau đớn.

Đại tràng, hay còn gọi là ruột già, là một ống cơ dài từ 1.5 – 1.8 mét nằm ở cuối cùng của hệ tiêu hóa, dẫn thức ăn từ ruột non đến hậu môn để bài tiết ra ngoài. Đại tràng có nhiệm vụ hấp thụ lại nước, chất điện giải và biến những gì còn lại của thức ăn thành phân.

Siêu âm đại tràng

Khi thực hiện kỹ thuật siêu âm đại tràng, bác sĩ sẽ sử dụng một thiết bị cầm tay, còn được gọi là đầu dò, đặt lên vùng bụng của bạn. Đầu dò có nhiệm vụ phát sóng siêu âm và thu nhận làn sóng phản hồi từ cơ thể để tái tạo lên hình ảnh cấu trúc đại tràng. Hình ảnh thu được sẽ được trình chiếu trực tiếp lên màn hình của máy siêu âm theo thời gian thực.(1)

Hai loại đầu dò với hai loại tần số khác nhau có thể được sử dụng thay phiên để giúp bác sĩ có góc nhìn toàn diện nhất về đại tràng:

  • Đầu dò tần số thấp (3,5-5 MHz): Dùng để để có được cái nhìn toàn cảnh về ổ bụng như vị trí, hình dạng, độ dày, tính đối xứng của độ dày thành ruột.
  • Đầu dò tần số cao (5-17 MHz): Cung cấp hình ảnh chi tiết về 5 lớp thành đại tràng và các mô xung quanh. Giống như chụp cắt lớp CT và chụp cộng hưởng từ MRI, siêu âm đại tràng ở tần số này cũng có thể cho thấy:

+ Các dòng chuyển động bên ngoài và bên trong đại tràng.

+ Những thay đổi ở thành ruột như hạt polyp, khối u (nếu có), nhu động, mạch máu, mạc treo và các hạch bạch huyết.

Không có phương thức chẩn đoán hình ảnh duy nhất nào có thể xác định được tất cả các loại bệnh đại tràng cùng một lúc. Do đó, kỹ thuật siêu âm đại tràng thường được kết hợp cùng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp CT, X-Quang, cộng hưởng từ MRI, nội soi đại tràng khi bác sĩ cần một cái nhìn toàn diện nhất.

Ai cần được chỉ định siêu âm đại tràng?

Bất kỳ ai cũng có thể được chỉ định siêu âm đại tràng khi có các dấu hiệu như:

  • Đau bụng: Các cơn đau âm ỉ, đau dữ dội kéo dài hoặc quặn đau lên theo từng đợt rồi hết mà không rõ nguyên nhân.
  • Táo bón hoặc tiêu chảy: Khi tình trạng phân quá cứng hay quá lỏng xảy ra trong thời gian dài, uống thuốc nhiều lần vẫn không khỏi thì bạn cũng cần nên đi siêu âm đại tràng.
  • Rối loạn tiêu hóa – tiêu hóa kém:

+ Do căng thẳng và lo âu.
+ Do ăn uống mất vệ sinh.
+ Do tự ý dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, dùng thuốc kháng sinh kéo dài gây loạn khuẩn ruột.

  • Chướng bụng: Khoảng 1/5 số bệnh nhân chướng bụng bị ung thư đại trực tràng và hơn 80% trong số này là ung thư giai đoạn cuối (theo số liệu báo cáo được được xuất bản ngày 19 tháng 6 năm 2006 trên Tạp chí Y khoa Úc). Điều này cho thấy bệnh nhân chướng bụng cần được siêu âm đại tràng ngay để loại trừ khả năng bị ung thư đại trực tràng.
  • Xuất huyết đại tiện: Tình trạng có máu trong phân, có thể kèm theo đau khu vực trực tràng gần hậu môn.
  • Sờ bụng thấy khối u: Nhấn vào một vùng bụng bất kỳ thấy có khối u, hoặc kèm theo những cơn đau nhói cố định tại một vị trí trên bụng.
  • Sụt cân nhanh: Ăn uống đầy đủ nhưng sụt cân nhanh, mệt mỏi, mất chất không rõ nguyên do.

Tuy nhiên, có 2 nhóm người cần lưu tâm và cân nhắc siêu âm đại tràng định kỳ bao gồm:

  • Nhóm người cao tuổi: Viêm đại tràng, ung thư trực tràng, polyp trực tràng,…thường là những bệnh lý ở người trưởng thành, đặc biệt là ở nhóm người cao tuổi. Siêu âm đại tràng định kỳ giúp tầm soát sớm bệnh lý, ngăn bệnh biến chứng gây thủng đại tràng hoặc biến chứng thành ung thư.
  • Nhóm người hút thuốc lá: Hầu như những người mắc ung thư đại tràng đều sử dụng thuốc lá, nhất là đối với nam giới. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người không sử dụng thuốc lá.

Trong một vài tình huống cá biệt, kỹ thuật siêu âm đại tràng còn được chỉ định cho những người cần nội soi hoặc phải chụp X-Quang đại tràng mà:

  • Sức khỏe tổng quát lại quá yếu, không đảm bảo để tiến hành thủ tục nội soi.
  • Sợ bị biến chứng phơi nhiễm bức xạ tia X khi phải chụp X-Quang nhiều lần.

Siêu âm đại tràng phát hiện bệnh lý gì?

Siêu âm đại tràng có thể hỗ trợ chẩn đoán được rất nhiều bệnh lý khác nhau ở hệ tiêu hóa nói chung và ở ruột già nói riêng. Nhìn chung, các bệnh lý có thể được kỹ thuật siêu âm đại tràng phát hiện có thể được chia thành 2 nhóm:

  • Nhóm bệnh lý cấp tính: Thường gây nên những cơn đau bụng dữ dội, đòi hỏi được cấp cứu càng sớm càng tốt nếu không có thể gây nguy hiểm tính mạng.
  • Nhóm bệnh lý mãn tính & không cấp tính: Bao gồm nhiều bệnh lý đại tràng mãn tính, thường không thể điều trị khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể làm giảm triệu chứng và học cách sống chung với chúng.

Nhóm bệnh lý cấp tính gồm:

  • Viêm ruột thừa: Tình trạng ruột thừa bị viêm do sự tắc nghẽn trong lòng ống ruột, gây ra bởi một mảnh thức ăn, phân vô tình rơi vào đoạn ruột này hoặc do khối u nguyên phát.
  • Viêm túi thừa: Túi thừa là những cấu trúc lỗ nhỏ trong lòng thành ruột già. Phân lâu ngày không được đào thải có thể kết tinh thành một kết cấu cứng như đá – gọi là Fecalith (đá phân) – gây tắc nghẽn túi thừa và hình thành nên ổ viêm.
  • Viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ: Mạch máu nuôi đại tràng bị hẹp, bị xơ vữa, bị vôi hóa,…đều có thể khiến đại tràng bị thiếu máu dẫn đến viêm.
  • Tắc ruột: Siêu âm đại tràng không phải là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất cho những trường hợp bị tắc nghẽn do ứ đọng khí trong ruột già. Tuy nhiên, nếu bạn bị tắc đại tràng do dị vật, do đá phân Fecalith thì kỹ thuật siêu âm đại tràng có thể hữu ích.
  • Viêm hạch mạc treo: Mạc treo là một phần của lớp niêm mạc ổ bụng, có vai trò cố định ruột già vào thành bụng. Viêm hạch mạc treo là tình trạng hạch bạch huyết trên mạc treo bị viêm do nhiễm trùng đường ruột. Bệnh thường phổ biến ở trẻ em.

Nhóm bệnh lý mãn tính & không cấp tính gồm:

  • Bệnh Crohn: Là tình trạng viêm mãn tính mô hạt ở ruột, thường gặp nhất ở ruột già. Bệnh khiến bạn sốt, mệt mỏi, đau bụng và có máu trong phân.
  • Viêm loét đại tràng: Là tình trạng lớp niêm mạc bên trong đại tràng xuất hiện nhiều vết loét do:

+ Ngộ độc – dị ứng thực phẩm.
+ Nhiễm khuẩn đường ruột do ăn uống mất vệ sinh.
+ Táo bón, dùng thuốc kháng sinh kéo dài.
+ Tình trạng tự miễn mãn tính – khi cơ thể coi niêm mạc đại tràng là vật thể lạ và tấn công niêm mạc để bảo vệ cơ thể.

  • Các bệnh truyền nhiễm: Gồm viêm ruột do vi khuẩn, ký sinh trùng, bệnh giun đũa, viêm ruột do lao, viêm ruột kết màng giả.
  • Ung thư đại trực tràng: Ung thư đại trực tràng là loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất trong tất cả các loại ung thư có khối u ác tính xảy ra ở đường tiêu hóa trên phạm vi toàn thế giới. Do đó, việc siêu âm đại tràng để lên phác đồ điều trị kịp thời là việc làm rất quan trọng.
  • Di căn phúc mạc: Là tình trạng ung thư trong lớp biểu mô của niêm mạc bụng – lớp màng bao phủ toàn bộ hệ tiêu hóa và giữ chúng cố định trong thành bụng.

Siêu âm đại tràng giúp chẩn đoán bệnh chính xác không?

Siêu âm đại tràng là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh chính xác, an toàn, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, có độ nhạy và độ đặc hiệu cao.

Thông thường, trong việc tầm soát các bệnh lý đại tràng thì phương pháp nội soi, chụp CT cắt lớp, chụp X-Quang và chụp cộng hưởng từ MRI là những phương pháp chẩn đoán hình ảnh được ưu tiên hơn kỹ thuật siêu âm, bởi hình ảnh xét nghiệm từ máy siêu âm đòi hỏi bác sĩ phải có trình độ chuyên môn rất cao mới có thể đọc được kết quả.

Tuy nhiên, trong vài năm qua, nhiều tiến bộ mới ra đời như công nghệ siêu âm 3D, siêu âm 4D, siêu âm elastography (siêu âm đàn hồi) và siêu âm màu Doppler đã mang lại chất lượng hình ảnh vượt trội, sắc nét, dễ hình dung; từ đó giúp bác sĩ chẩn đoán được một loạt các bệnh lý đại tràng khác nhau một cách chính xác và dễ dàng.

Quy trình siêu âm đại tràng

Quy trình siêu âm đại tràng thường mất chưa đến 30 phút để hoàn thành. Vậy “điều gì xảy ra khi bạn siêu âm đại tràng?”, “kỹ thuật siêu âm đại tràng như thế nào?”, “cần chuẩn bị gì trước khi siêu âm” là những câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm nhất từ đa số người bệnh.

1. Chuẩn bị

Trước khi siêu âm đại tràng, bạn sẽ được yêu cầu phải thay áo choàng y khoa đồng thời tháo hết đồ trang sức hoặc bất kỳ vật dụng nào khác có thể cản trở quá trình siêu âm.

Sau đó, bạn sẽ nằm xuống một chiếc giường y tế dài với phần bụng để hở.

2. Thực hiện

Người thực hiện quét siêu âm cho bạn được gọi là bác sĩ siêu âm. Bạn sẽ hoàn toàn tỉnh táo trong khi được siêu âm đại tràng. Nhìn chung, kỹ thuật siêu âm đại tràng gồm có 3 bước:

  • Bước 1: Bác sĩ siêu âm sẽ thoa một lớp gel bôi trơn lên vùng bụng của bạn. Gel giúp ngăn ngừa sự hình thành các bóng khí giữa da và đầu dò siêu âm, từ đó cải thiện hiệu suất hình ảnh.
  • Bước 2: Bác sĩ sẽ di chuyển đầu dò trên vùng da bụng của bạn để thu thập dữ liệu.
  • Bước 3: Khi quét xong, bác sĩ sẽ lau sạch gel trên bụng của bạn. Bạn sẽ có thể trở lại các hoạt động bình thường ngay sau khi siêu âm đại tràng.

Sau khi siêu âm xong, bác sĩ sẽ giải thích hình ảnh siêu âm ngay lập tức hoặc hẹn trả kết quả trong lần tái khám tiếp theo. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn siêu âm lại một lần nữa hoặc tiến hành các xét nghiệm khác để kiểm tra kỹ hơn bất kỳ vấn đề nào phát sinh.

3. Lưu ý khi siêu âm đại tràng

Quy trình siêu âm đại tràng thường không gây đau. Tuy nhiên, bạn có thể cảm thấy khó chịu tạm thời nếu kỹ thuật viên ấn vào vùng bị đau hoặc ngay vùng mô mềm của bụng. Hãy đảm bảo rằng bạn thông báo cho bác sĩ biết ngay khi bạn cảm thấy đau để họ điều chỉnh lại áp lực đầu dò.

Bên cạnh đó, một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến kết quả siêu âm, bao gồm:

  • Béo phì nghiêm trọng.
  • Thức ăn trong dạ dày.
  • Khí tích tụ trong ruột do sự phân giải thực phẩm từ hệ vi sinh vật đường ruột.

Do đó, hãy hỏi bác sĩ xem bạn có cần phải nhịn ăn uống từ 8 đến 12 giờ trước khi siêu âm hay không. Việc nhịn ăn thường là việc nên làm khi siêu âm đại tràng chứ không phải là việc làm bắt buộc.

Ưu và nhược điểm

1. Ưu điểm của siêu âm đại tràng

Siêu âm đại tràng là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh có rất nhiều ưu điểm như:

  • Phổ biến & tiết kiệm: Là công nghệ được phổ biến rộng rãi, chi phí thấp (chỉ vài trăm nghìn đồng cho mỗi lần siêu âm) nên dễ dàng được thực hiện ở bất kỳ đâu, từ phòng khám tư đến bệnh viện công.
  • Tiện lợi: Là kỹ thuật không xâm lấn, không gây chảy máu, không cần gây tê, gây mê hay phải nhập viện nội trú và nghỉ dưỡng tại nhà sau điều trị.
  • An toàn: Siêu âm đại tràng không sử dụng tia bức xạ nên công nghệ này an toàn cho cả phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh, trẻ em nên có thể được siêu âm nhiều lần, vào bất cứ lúc nào.
  • Hiệu quả: Siêu âm có thể cho thấy rõ 5 lớp của thành trực tràng cũng như những mô mềm thường không thể thấy rõ trên ảnh chụp X-Quang.

2. Hạn chế & rủi ro có thể gặp

Kỹ thuật siêu âm đại tràng là một thủ thuật an toàn, sử dụng sóng âm công suất thấp nên không để lạimrủi ro, biến chứng hay tác dụng phụ nào cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, so với các công nghệ chẩn đoán hình ảnh khác thì hạn chế lớn nhất của công nghệ siêu âm đại tràng là:

  • Việc đọc và đánh giá kết quả phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm và chuyên môn của bác sĩ siêu âm để nhận biết được tất cả sự bất thường trong cấu trúc ruột già.
  • Nhiều bệnh nhân béo bụng, biến dạng cột sống, hoặc có sự hiện diện của khí trong ruột cũng có thể làm cho việc chẩn đoán đại tràng trở nên khó khăn.
  • Nếu máy siêu âm không quá hiện đại hoặc bác sĩ không tỉ mỉ trong việc đọc kết quả thì có thể dễ dàng bỏ sót các ổ viêm loét trên thành niêm mạc bị nếp gấp đại tràng che khuất.

Siêu âm có phát hiện ung thư đại tràng không?

Siêu âm hoàn toàn có thể phát hiện được ung thư đại tràng với độ chính xác là 97,7%, độ nhạy là 92,8% và độ đặc hiệu là 98,8% theo nghiên cứu “Siêu âm trong chẩn đoán ung thư đại trực tràng ở những bệnh nhân có biểu hiện chướng bụng” được xuất bản trực tuyến trên Tạp chí Y khoa Úc (The Medical Journal of Australia) ngày 19 tháng 6 năm 2006.

Siêu âm đại tràng có đau không?

Siêu âm đại tràng hoàn toàn không gây đau đớn. Quy trình siêu âm diễn ra cực kỳ đơn giản với một đầu dò siêu âm trượt êm ái trên bề mặt da, hoàn toàn không xâm lấn, không gây chảy máu hay có bất kỳ vết rạch da nào.

Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về kỹ thuật siêu âm đại tràng mà bạn cần biết. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã phần nào hiểu được siêu âm đại tràng là gì, kỹ thuật siêu âm đại tràng như thế nào cũng như quy trình thực hiện siêu âm đại tràng.

Phòng Khám Đông Phương

Địa Chỉ: 142 Triệu Nữ Vương - Q.Hải Châu - Tp.Đà Nẵng
Điện Thoại: 02363 86 87 89 * Hotline: 077 456 6243
Email: pkdongphuong@gmail.com
Website: https://www.pkdongphuong.com.vn

Trân trọng.