Đái tháo đường (ĐTĐ) thai kỳ là một bệnh lý thuộc về rối loạn chuyển hóa của cơ thể khiến cho nồng độ đường trong máu tăng cao trong thời kỳ mang thai. Khoảng 10% thai phụ gặp phải tình trạng này. Nếu đường huyết không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến các kết cục xấu cho mẹ và thai.
Vì sao phụ nữ mang thai dễ mắc ĐTĐ thai kỳ?
Bình thường, khi bạn ăn, tuyến tụy sẽ tiết ra insulin, một hormone giúp vận chuyển glucose vào trong tế bào và sử dụng nó để tạo năng lượng cho cơ thể. Khi đó, chỉ số đường huyết đói và đường huyết sau ăn được điều hòa ổn định, không tăng quá cao và không giảm quá thấp.
Trong thời kỳ mang thai, bánh nhau sản xuất ra một số hormone gây tăng lượng đường trong máu. Thông thường, tuyến tụy của bạn có thể tiết ra đủ insulin để xử lý nó. Nhưng nếu tuyến tụy không thể tạo đủ insulin hoặc cơ thể bạn có sự đề kháng với insulin, lượng đường trong máu sẽ tăng lên. Tình trạng đó được gọi là ĐTĐ thai kỳ.
Phụ nữ mang thai dễ bị ĐTĐ thai kỳ khi có yếu tố nguy cơ sau:
- Thừa cân hoặc béo phì trước khi mang thai
- Đã mắc ĐTĐ thai kỳ ở thai kỳ trước
- Tiền căn sinh con to trên 4000 gam, thai lưu ở 3 tháng cuối, sảy thai liên tiếp hoặc thai dị tật bẩm sinh
- Mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hoặc cơ thể có tình trạng đề kháng insulin
- Có bệnh nội khoa mạn tính như tăng huyết áp, bệnh tim, tăng cholesterol máu…
- Gia đình có thành viên mắc ĐTĐ
Do đó, để giảm nguy cơ mắc phải ĐTĐ thai kỳ bạn nên có được sự chuẩn bị tốt trước khi mang thai như giảm cân về mức cân nặng lý tưởng, điều trị ổn định các bệnh nội khoa, áp dụng một chế độ ăn khỏe mạnh và vận động phù hợp trước và trong thời gian mang thai.
Chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ bằng cách nào?
Thực hiện xét nghiệm sàng lọc ĐTĐ thai kỳ khi khám thai định kỳ: XN dung nạp glucose đường uống (OGTT)
Mẫu máu được lấy 3 lần ở 3 thời điểm:
- Lần 1: Lấy máu lúc đói (nhịn ăn ít nhất 8 giờ)
- Lần 2: 1 giờ sau khi uống 75 gam glucose
- Lần 3: 2 giờ sau khi uống 75 gam glucose
Kết quả bình thường khi:
- Đường huyết lúc đói: 92 mg/dL
- Sau 1 giờ: 180 mg/dL
- Sau 2 giờ: 153 mg/dL
Khi có một kết quả bất thường, bạn được chẩn đoán là ĐTĐ thai kỳ.
Xét nghiệm sàng lọc ĐTĐ thai kỳ (OGTT) được thực hiện sớm ngay từ lần khám thai đầu tiên nếu bạn có yếu tố nguy cơ. Với những trường hợp không có yếu tố nguy cơ hoặc không được chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ ở 3 tháng đầu, bạn sẽ được làm (hoặc làm lại) xét nghiệm OGTT lúc thai 24-28 tuần.
Để xét nghiệm phản ánh chính xác tình trạng dung nạp glucose của cơ thể, bạn nên có chế độ ăn carbohydrate bình thường ít nhất 3 ngày và nhịn ăn ít nhất 8 giờ trước khi lấy mẫu xét nghiệm.
ĐTĐ thai kỳ ảnh hưởng như thế nào đến mẹ và thai?
Em bé của bạn vẫn có thể phát triển khỏe mạnh nếu tình trạng ĐTĐ thai kỳ được điều trị và đường huyết được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt đường huyết, thai kỳ có nguy cơ gặp phải một số kết cục xấu như sảy thai, sinh non, thai dị tật bẩm sinh, thai chết lưu, đa ối, thai to hoặc thai chậm tăng trưởng. Mẹ bầu cũng tăng nguy cơ mắc phải tiền sản giật, mổ lấy thai…
Sau sinh, trẻ có nguy cơ bị hạ đường huyết, vàng da. Nguy cơ suy hô hấp sau sinh cũng tăng lên ở những trẻ có mẹ bị ĐTĐ thai kỳ.
Trong tương lai, cả mẹ và trẻ đều tăng khả năng mắc phải ĐTĐ type 2.
Điều trị bằng cách nào?
Bạn cần được điều trị sớm nếu mắc ĐTĐ khi mang thai. Mục tiêu của việc điều trị là giúp đường huyết ổn định, từ đó giảm tối đa nguy cơ gặp phải các biến chứng xấu cho thai kỳ như sảy thai, sinh non, thai chết lưu, thai dị tật bẩm sinh, đa ối, thai to hoặc thai chậm tăng trưởng…
Bạn sẽ được yêu cầu áp dụng chế độ ăn giảm carbohydrate, tập các bài thể dục vận động phù hợp và tự kiểm tra đường huyết mỗi ngày. Nếu đường huyết vẫn cao sau khi đã áp dụng một chế độ ăn và vận động phù hợp, bạn sẽ được điều trị tiếp tục bằng thuốc tiêm insulin như một biện pháp điều trị phối hợp.
Mục tiêu sau điều trị, đường huyết được gọi là kiểm soát tốt nếu:
- Đường huyết trước bữa ăn: 90-95 mg/dL
- Đường huyết 1 giờ sau bữa ăn: 140 mg/dL
- Đường huyết 2 giờ sau bữa ăn: 120 mg/dL
Chế độ ăn khỏe mạnh và ít đường cho thai phụ ĐTĐ:
- Chia nhỏ bữa ăn mỗi ngày thành 3 bữa ăn chính nhỏ cùng với 2-3 bữa ăn nhẹ vào cùng một thời điểm trong ngày.
- Chế độ ăn phải đáp ứng được 20% lượng calo mỗi ngày từ protein và 40% calo từ carbonhydrates. Trong đó một nửa lượng carbs nên sử dụng dạng carbs hấp thu chậm và nhiều chất xơ. Thực phẩm chứa carbs đạt yêu cầu như bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc, gạo lứt, yến mạch, các loại rau, củ quả và trái cây. Bạn cần hấp thu khoảng 20-35 gam chất xơ mỗi ngày.
- Thay vì các bữa ăn nhẹ có đường như bánh quy, bánh ngọt và kem, bạn hãy thay đổi bằng các loại trái cây, thêm rau và ngũ cốc nguyên hạt, đồng thời lưu ý khối lượng ở mỗi khẩu phần ăn.
- Hạn chế hấp thu chất béo xuống dưới 40% lượng calo mỗi ngày. Chất béo bão hòa nên ít hơn 10% tổng số chất béo bạn ăn.
- Nên ăn đa dạng thực phẩm để đảm bảo cung cấp đủ vitamin và khoáng chất cần thiết.
Tập thể dục khi có sự cho phép của bác sĩ:
- Vận động là một cách tốt để kiểm soát lượng đường huyết sau ăn.
- Bạn nên vận động mỗi ngày 30 phút với các hoạt dộng vừa và nhẹ như đi bộ, đạp xe và bơi lội.
Để đặt lịch khám tại Phòng Khám, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Bài viết này đã được biên soạn lại theo từ khóa tìm kiếm của google
ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
Phòng Công tác xã hội
Tham khảo thêm ở bài viết: https://tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/suc-khoe-phu-nu/lam-me-an-toan/cham-soc-ba-me-mang-thai/tap-the-duc-khi-mang-thai-nhu-the-nao-la-an-toan/