Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Hội chứng buồng trứng đa nang là một rối loạn nội tiết thường gặp của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Hiếm muộn là mối lo ngại lớn nhất của phụ nữ mắc phải hội chứng này. Vậy làm sao để phát hiện hội chứng này và cách điều trị là gì. Bài viết sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin cần thiết để hiểu hơn về hội chứng buồng trứng đa nang.                                               

Triệu chứng thường gặp của hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

  • Chu kỳ kinh không đều: các biểu hiện rối loạn kinh nguyệt có thể gặp ở phụ nữ PCOS là kinh không đều, kinh thưa hoặc vô kinh, có thể gặp rong cường kinh.
  • Vô sinh: PCOS là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất ở người phụ nữ bị vô sinh.
  • Béo phì: 4/5 phụ nữ PCOS có biểu hiện thừa cân hoặc béo phì.
  • Rậm lông: lông phát triển nhiều quá mức ở mặt, ngực, bụng, đùi. Tình trạng này ảnh hưởng đến hơn 7/10 phụ nữ PCOS.
  • Mụn trứng cá: xuất hiện từ sau dậy thì nhưng không đáp ứng với các điều trị thông thường.
  • Da dầu.
  • Mảng tăng sắc tố da: Là những mảng da dày hơn bình thường, đen sạm, mịn như nhung. Thường xuất hiện ở những vùng có nếp gấp của cơ thể như nách, bẹn, cổ.
  • Buồng trứng có nhiều nang nhỏ.

Khi các chị em trong độ tuổi sinh sản có các triệu chứng trên, hãy đến các cơ sở khám phụ khoa để xác định xem liệu bạn có mắc PCOS không. PCOS được xác định khi bạn có ít nhất 2 trong 3 triệu chứng sau:

1/ Rối loạn rụng trứng (kinh nguyệt không đều)

2/ Tăng hormone Androgen

3/ Hình ảnh buồng trứng đa nang. 

Nguyên nhân gây PCOS là gì?

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân gây nên tình trạng này. Tuy nhiên PCOS được cho là có liên quan đến nhiều yếu tố phối hợp bao gồm: tình trạng đề kháng insullin, tăng nồng độ hormone Androgens trong máu và rối loạn phóng noãn (rụng trứng). 

Đề kháng insullin là gì?

Đây là tình trạng khi mà các tế bào của cơ thể không đáp ứng với các tác động của insullin (một hormone có vai trò trong chuyển hoá đường) dẫn đến nồng độ đường trong máu tăng cao. Đề kháng insullin có thể dẫn đến đái tháo đường. Nó cũng có liên quan đến tình trạng tăng sắc tố da. 

Biểu hiện khi nồng độ Androgens trong máu tăng cao:

Khi nồng độ Androgens trong máu cao hơn bình thường, hoạt động của buồng trứng sẽ bị rối loạn, dẫn đến không có hiện tượng rụng trứng hàng tháng. Cường Androgens cũng gây ra rậm lông và mụn trứng cá. 

                                       

Hậu quả của rối loạn phóng noãn (rụng trứng) là gì?

Phụ nữ bình thường rụng trứng mỗi tháng 1 lần. Với phụ nữ PCOS, rụng trứng không xảy ra đều đặn và thường xuyên, dẫn đến kinh nguyệt thưa và không đều. Khả năng thụ thai thấp do ít rụng trứng, PCOS là một trong những nguyên nhân vô sinh thường gặp. Biểu hiện trên buồng trứng bằng sự xuất hiện nhiều nang nhỏ. 

Phụ nữ PCOS đối mặt với những nguy cơ sức khoẻ gì?

PCOS ảnh hưởng đến toàn cơ thể không chỉ riêng cơ quan sinh sản. Nó khiến cho người phụ nữ tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng và để lại hậu quả lâu dài.

Tình trạng đề kháng insullin làm tăng nguy cơ bị đái tháo đường typ 2 và bệnh lý tim mạch.

Một số phụ nữ PCOS gặp phải tình trạng tăng sinh nội mạc tử cung và tăng nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung.

Họ cũng có nguy cơ trầm cảm và rối loạn giấc ngủ. 

Điều trị PCOS là điều trị triệu chứng

PCOS là một hội chứng mang tính hệ thống, chưa rõ nguyên nhân nên không có biện pháp điều trị triệt để. Phương pháp điều trị sẽ được điều chỉnh theo từng bệnh nhân, tuỳ thuộc vào các triệu chứng và vấn đề sức khoẻ họ đang gặp phải, đặc biệt là mong muốn có thai của người bệnh. 

Thuốc ngừa thai được sử dụng để điều trị cho PCOS như thế nào?

Thuốc ngừa thai hàng ngày chứa nội tiết phối hợp Estrogen và Progestin có thể được sử dụng để điều trị lâu dài cho bệnh nhân PCOS, khi người bệnh chưa muốn có thai. Thuốc có tác dụng điều hoà chu kỳ kinh nguyệt, giảm nguy cơ tăng sinh và ung thư nội mạc tử cung.

Giảm cân giúp cải thiện triệu chứng PCOS

Với phụ nữ PCOS bị thừa cân hoặc béo phì, giảm cân giúp tăng khả năng rụng trứng và điều hoà chu kỳ kinh nguyệt. Thậm chí chỉ giảm một số ít cân nặng, chu kỳ kinh của bạn cũng có thể đều hơn. Giảm cân cũng cho thấy cải thiện tình trạng đề kháng insullin, giảm nguy cơ đái tháo đường typ 2 và bệnh lý tim mạch. Triệu chứng mụn và rậm lông cũng có cải thiện. 

Thuốc tăng nhạy cảm với insullin hỗ trợ điều trị PCOS

Những thuốc hỗ trợ tế bào tăng nhạy cảm với insullin thường được sử dụng để điều trị đái tháo đường, chúng cũng được sử dụng trong điều trị PCOS. Những thuốc này giúp cơ thể tăng đáp ứng và giảm đề kháng với insullin. Ở phụ nữ PCOS, thuốc giúp giảm nồng độ androgen và cải thiện rụng trứng, dẫn đến kinh nguyệt đều hơn và dễ thụ thai hơn.

Làm gì để tăng khả năng có thai cho phụ nữ PCOS?

Rụng trứng là điều kiện tiên quyết để có thai. Phụ nữ PCOS thường bị rối loạn rụng trứng, do đó khả năng thụ thai cũng giảm.

  • Giảm cân là một phương pháp rất hiệu quả giúp cải thiện tỉ lệ rụng trứng đối với nhũng bệnh nhân PCOS có thừa cân.
  • Thuốc kích thích rụng trứng thường được bác sĩ kê đơn khi các phương pháp tự điều chỉnh của người bệnh không hiệu quả. Tuy nhiên phương pháp này cũng có những nguy cơ như đa thai …
  • Phẫu thuật trên buồng trứng được áp dụng khi các biện pháp trên không hiệu quả. Sau phẫu thuật, tỉ lệ rụng trứng của người bệnh tăng lên, tuy nhiên hiệu quả dài hạn của phương pháp này vẫn còn chưa rõ ràng.

Phòng Khám Đông Phương

Đại Chỉ: 142 Triệu Nữ Vương , Hải Châu 2, Hải Châu, Đà Nẵng

Tổng đài tư vấn: 02363868789/02363868788

Zalo: 0901969115. HOTLINE: 0774566243

Giờ làm việc: Sáng 7.00 - 12.00 & Chiều 14.00 - 19.00

Website: www.pkdongphuong.com.vn

Quý khách vui lòng liên hệ với phòng khám trong giờ làm việc.

                                                             Bài viết này đã được biên soạn lại theo từ khóa tìm kiếm của Google

                                                                                                                                    ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
                                                                                                                                              P. Công tác xã hội

                                                                                                                                                  Nguồn: acog.org

Tin Liên Quan

x