Siêu âm là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh rất phổ biến, không chỉ người lớn mà ngay cả trẻ em khi có nghi ngờ về các bệnh lý cũng được bác sĩ chỉ định siêu âm. Tuy nhiên không phải em bé nào cũng hợp tác trong quá trình siêu âm. Do đó, để chuẩn bị siêu âm cho trẻ, cha mẹ cần nắm vững những lưu ý dưới đây.
1. Siêu âm là gì?
Siêu âm là kỹ thuật sử dụng sóng siêu âm có tần số cao hơn so với ngưỡng âm thanh mà con người có thể nghe được để ghi lại và tái hiện hình ảnh các cấu trúc bên trong cơ thể. Trong kỹ thuật siêu âm, bác sĩ sẽ dùng đầu dò được bôi 1 lớp gel chuyên dụng đặt sát lên da, đầu dò sẽ phát ra các sóng siêu âm, đi vào mô và nhận các sóng phản hồi, ghi nhớ lại hình ảnh và tạo thành các hình ảnh mô tả trên màn hình hiển thị. Nhờ có kết quả siêu âm, bác sĩ có thể nắm được tình trạng của các cơ quan trong cơ thể, từ đó tiến hành chẩn đoán và điều trị bệnh phù hợp.
2. Khi nào cần siêu âm cho trẻ?
Thông thường, khi trẻ có dấu hiệu đau bụng, sốt, nôn mửa liên tục, bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm cho trẻ để xác định xem trẻ có mắc các vấn đề về tiêu hóa không. Các bệnh lý tiêu hóa phổ biến ở trẻ cần siêu âm hỗ trợ để chẩn đoán chính xác gồm: trào ngược dạ dày thực quản, lồng ruột, viêm ruột...
Ngoài ra, nếu muốn kiểm tra các vấn đề về thần kinh ở trẻ sơ sinh, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm thóp cho trẻ, nhất là đối với trẻ sinh non. Những em bé có dấu hiệu thóp phồng, tăng kích thước đầu một cách bất thường, trẻ có những dấu hiệu bất ổn về thần kinh cũng sẽ được chỉ định siêu âm thóp.
Tùy theo các bệnh lý, biển hiện tình trạng của trẻ mà bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm cho trẻ ở bụng, tim, thóp...
3. Những điều cha mẹ cần lưu ý trước khi siêu âm cho trẻ
Trẻ nhỏ chưa có đầy đủ nhận thức và hiểu biết như người lớn nên khi bác sĩ chỉ định siêu âm cho trẻ, cha mẹ phải là người nắm vững các kiến thức và giúp trẻ chuẩn bị các yếu tố phù hợp dưới hướng dẫn của bác sĩ.
- Trường hợp bác sĩ chỉ định siêu âm cho trẻ để khảo sát các bệnh lý về gan mật: Cha mẹ cần cho trẻ nhịn ăn, nhịn bú ít nhất 4 giờ trước khi siêu âm
- Trường hợp bác sĩ chỉ định siêu âm cho trẻ để chẩn đoán bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, nôn mửa kéo dài: Cha mẹ cần cho trẻ ăn no, bú no trước khi siêu âm
- Trường hợp bác sĩ chỉ định siêu âm cho trẻ để khảo sát các bệnh lý về thận, bàng quang, cơ quan sinh dục: Cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước, nhịn đi tiểu
- Trường hợp bác sĩ chỉ định siêu âm cho trẻ để khảo sát các bệnh lý về tim: Nếu trẻ quấy khóc, không hợp tác thì cha mẹ cần cho trẻ uống thuốc an thần theo chỉ định của bác sĩ để trẻ giữ bình tĩnh, ổn định nhịp tim trong quá trình siêu âm
Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ chỉ định siêu âm cho trẻ sẽ có những lưu ý, hướng dẫn cha mẹ chi tiết như có cần cho trẻ nhịn ăn trước siêu âm không? Nên cho trẻ ăn gì trước siêu âm? Cần chuẩn bị những gì để hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động siêu âm...
4. Siêu âm có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ không?
Trẻ nhỏ còn quá non nớt, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ sinh thiếu tháng nên nhiều cha mẹ lo ngại sóng siêu âm có thể ảnh hưởng đến trẻ, tác động xấu đến sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ có thể yên tâm siêu âm không sử dụng bức xạ nên sẽ không làm hại tới trẻ. Siêu âm là một hoạt động không xâm lấn. Khi thực hiện siêu âm, trẻ có thể cảm thấy không thoải mái nên quấy khóc, nhưng sẽ không cảm thấy đau.
Siêu âm là kỹ thuật hiện đại, cung cấp hình ảnh rõ nét hỗ trợ đắc lực trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh cho trẻ nhỏ nói riêng và tất cả các bệnh nhân nói chung. Đây cũng là phương pháp dễ thực hiện, ít tốn kém hơn so với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác. Cha mẹ không cần quá lo lắng khi bác sĩ chỉ định siêu âm cho trẻ. Điều quan trọng là phải bình tĩnh và thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để hỗ trợ tốt nhất cho quá trình siêu âm, chẩn đoán và điều trị bệnh.
Để đặt lịch khám tại Phòng Khám, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Phòng Khám Đông Phương
Địa Chỉ: 142 Triệu Nữ Vương - Q.Hải Châu - Tp.Đà Nẵng
Điện Thoại: 02363 86 87 89 * Hotline: 077 456 6243
Email: pkdongphuong@gmail.com
Website: https://www.pkdongphuong.com.vn
Xin cảm ơn!